RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM (TMJ) LÀ GÌ
Rối loạn khớp thái dương hàm, hay còn gọi là TMJ, là tình trạng khớp thái dương hàm hoạt động không đúng cách. Thông thường, TMJ sẽ gây ra tiếng lục cục khi nhai hoặc há ngậm miệng. Người ta thường không thể xác định được nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn này vì nó gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau và thường liên quan đến thần kinh – cơ.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM (TMJ)
Chứng rối loạn khớp (TMJ) có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Bất thường xương hàm trên và xương hàm dưới mang tính bẩm sinh cũng như bất thường về cấu trúc của vùng khớp thái dương hàm.
- Sụn của khớp bị tổn thương do bệnh viêm khớp.
- Khớp bị tổn thương bởi một cú đánh hoặc các tác động chấn thương khác.
- Thói quen ăn nhai chỉ một bên nhiều năm, siết chặt răng, nghiến răng (thường gặp khi cần dùng sức để làm việc, chơi thể thao, khi căng thẳng, tức giận hoặc vô thức trong lúc ngủ)
- Bệnh nhân bị mất răng lâu ngày, sai lệch khớp cắn.
Ngoài ra, khi mắc phải những bệnh lý toàn thân của khớp như viêm đa khớp cũng dễ bị rối loạn khớp thái dương hàm.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) không rõ ràng. Thường gặp ở những bệnh nhân hay stress, lo lắng và có những rối loạn tâm lý khác.
TRIỆU CHỨNG CỦA RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM (TMJ)
Một số triệu chứng TMJ phổ biến nhất bao gồm:
- Nhức đầu (thường có dấu hiệu như chứng đau nửa đầu), đau tai, đau mắt và tăng nhãn áp.
- Âm thanh lục cục hoặc lốp cốp khi há hoặc ngậm miệng
- Cảm thấy đau khi ngáp, há miệng rộng hoặc khi ăn nhai
- Hàm có cảm giác “bị kẹt”, cứng khớp hoặc khớp không vào đúng vị trí
- Đau nhức,mỏi cơ hàm
- Răng trên và răng dưới không khớp với nhau, gây khó chịu hoặc đau khi ăn nhai
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM (TMJ)
Thông thường, bệnh nhân bị loạn năng khớp thái dương hàm sẽ được điều trị kết hợp gồm điều trị nội khoa (dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ… tùy theo tình trạng đau, viêm và co thắt cơ), kết hợp những biện pháp vật lý trị liệu (như massage, chườm ấm hai bên khớp khoảng 4-5 lần/ngày, mỗi lần 15 phút).
Sau khi điều trị nội khoa mà vẫn còn đau mỏi hàm, người bệnh cần kết hợp “máng nhai” đeo vào ban đêm, đồng thời tái khám theo hẹn để theo dõi và mài điều chỉnh máng. Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây rối loạn TDH là do mất răng lâu ngày hay khớp cắn sai lệch thì sau khi điều trị bớt đau, bệnh nhân cần phải trồng lại răng, niềng răng hay mài điều chỉnh khớp cắn…
Việc điều trị rối loạn thái dương hàm không chắc chắn sẽ khỏi hoàn toàn vì phụ thuộc nhiều vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Sai lầm mà bệnh nhân thường gặp khiến bệnh không dứt hẳn và dễ tái phát là không tái khám định kì để điều chỉnh máng nhai; tự ý mua thuốc uống, không thực hiện việc phục hình răng, chỉnh hình răng… theo chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo bảng giá điều trị của Nha khoa iMed tại đây