Nhìn chung, không chỉ đối với giới trẻ mà ở mọi lứa tuổi, việc giữ gìn một hàm răng khỏe mạnh là vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe nói chung, nâng cao chất lượng cuộc sống và lưu giữ một nụ cười đẹp.
Theo BS. Rima B. Sehl, khoa Răng đại học New York: “Điều đầu tiên mà người cao tuổi cần hiểu (về việc duy trì sức khỏe răng miệng) là già đi không đồng nghĩa với móm mém. Răng bị mất vì bệnh tật, chứ không phải vì chúng ta già đi”.
Sâu răng
Sâu răng thường liên quan với trẻ em, nhưng Hội Nha khoa Mỹ báo cáo rằng “nguy cơ sâu răng tăng theo tuổi”. Một lý do là vì khô miệng có thể gây sâu răng, và khô miệng là một tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến tuổi già.
Tụt lợi
Lý do lớn nhất gây tụt lợi là do vệ sinh răng miệng không đầy đủ. Đơn giản chỉ cần đánh răng bằng bàn chải lông mềm 2 lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày có thể làm giảm tình trạng này.
Bởi nếu không làm sạch răng đẩy đủ, có thể dẫn đến tích tụ cao răng dưới nướu răng, gây viêm (viêm nướu) và bệnh nướu răng (viêm nha chu).
Tụt lợi có thể gây đau và cũng là nguồn gốc của tình trạng “dài răng”.
Cấu trúc miệng thay đổi
Stuart Frost, bác sĩ chỉnh nha tại Mesa, Arizona giải thích rằng ngoài việc tăng nguy cơ sâu răng, viêm và nhiễm trùng, cấu trúc của miệng và răng của chúng ta có thể thay đổi khi già đi. Bởi theo thời gian, cấu trúc dưới xương của miệng và mặt có thể dịch chuyển và sự hư hỏng là một hệ quả đơn giản của trọng lực.
“Khi chúng ta già đi, trọng lực chiếm ưu thế và da trên mặt có xu hướng xệ xuống, môi trên sẽ dài hơn và cung răng của hàm trên và dưới có xu hướng sít hoặc chặt lại “, BS. Frost nói. “Do cung răng hẹp, răng trở nên chật chội hơn và sau đó chúng ta không có nhiều sự nâng đỡ của mặt”.
Quá trình dồn ép này thường bắt đầu vào cuối độ tuổi 30 hoặc 40, và theo thời gian, nó có thể dẫn đến đau, khó vệ sinh răng và ảnh hưởng đến nụ cười.